Bến Cát và Gò Công lên thành phố

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết thành lập thành phố Bến Cát (Bình Dương) và Gò Công (Tiền Giang).

Quang cảnh phiên họp chiều 19-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Quang cảnh phiên họp chiều 19-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 18-3, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

Cùng với đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt cũng đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Các nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2024.

Chi tiết việc thành lập thành phố Bến Cát và Gò Công

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo về phương án thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã An Điền và xã An Tây.

Cùng với đó, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng 234,35km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người của thị xã Bến Cát.

Theo bà Trà, sau khi thành lập, tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc, nhưng tăng 2 phường, giảm 2 xã trên và tăng 1 thành phố Bến Cát và giảm 1 thị xã Bến Cát.

  • Sáp nhập hơn 600 phường xã, đừng xem nhẹ cách đặt tên

     

Tỉnh có 5 thành phố là Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát và 4 huyện là Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên và Phú Giáo, có 47 phường, 5 thị trấn và 39 xã.

Tỉ lệ đô thị hóa sau khi thành lập 2 phường là 84,95%.

Thành phố Bến Cát có 7 phường là An Điền, An Tây, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa và 1 xã Phú An. Tỉ lệ đô thị hóa là 94,65%.

Bà Trà nêu rõ để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, việc thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Bến Cát là cần thiết.

Bộ trưởng Trà cũng báo cáo về phương án việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Cụ thể, thành lập 4 phường thuộc thị xã là Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa.

Sắp xếp 4 phường thuộc thị xã gồm nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 1 và phường 4 thành phường 1 (mới). Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 2 và phường 3 thành phường 2 (mới).

Đồng thời, thành lập thành phố Gò Công trên cơ sở nguyên trạng 101,69km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công.

Sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên (2.556,36km2), quy mô dân số (2.248.422 người) và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.

Nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã).

Cụ thể gồm tỉnh sẽ có 2 thành phố Mỹ Tho, Gò Công, 1 thị xã Cai Lậy và 8 huyện Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè và Tân Phú Đông và 170 đơn vị cấp xã, gồm 8 thị trấn, 24 phường và 138 xã. Tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh là 18,40%.

Thành phố Gò Công có 7 phường và 3 xã (giảm 2 xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỉ lệ đô thị hóa là 60,76%.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri phản ánh thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới không ghi thời hạn hết hiệu lực gây khó cho người dùng.

                                                                          THÀNH CHUNG