Thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội phát triển minh bạch hơn, bền vững hơn trong thời gian tới khi Chỉ thị 13 được triển khai. Đặc biệt, các bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, tiềm năng thực sẽ là tâm điểm của thị trường.
Thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội phát triển minh bạch hơn, bền vững hơn trong thời gian tới khi Chỉ thị 13 được triển khai. Đặc biệt, các bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, tiềm năng thực sẽ là tâm điểm của thị trường.
Kiến tạo thị trường phát triển bền vững
Thị trường bất động sản thời gian vừa qua đang bộc lộ một số bất cập, giá sản phẩm khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường chưa đồng bộ, thiếu minh bạch... Để khắc phục điều này, các cơ quan quản lý nhà nước đang tiến hành rà soát quy định pháp luật, tìm cách đa dạng nguồn vốn và đề xuất chính sách để tạo động lực phát triển mới cho thị trường.
Theo Chỉ thị 13, tín dụng vào bất động sản sắp tới sẽ không bị siết chặt mà điều chỉnh hợp lý, linh hoạt. Các hành vi sai phạm như trốn thuế hay nạn đầu cơ, thao túng thị trường sẽ bị kiểm soát gắt gao. Các ngân hàng cũng sẽ tập trung cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ...
Về công tác quản lý, theo Chỉ thị 13, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng dẫn các địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án bất động sản... Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sửa các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế.
Một giải pháp khác hứa hẹn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định là đánh giá chính xác cung - cầu và xây dựng hệ thống thông tin liên thông giữa thị trường bất động sản và đất đai, mở rộng phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp... Bộ Xây dựng được giao sớm hướng dẫn địa phương bổ sung quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hướng dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở, khu đô thị để phát triển sản phẩm này.
Đặc biệt, theo Chỉ thị 13, các hành vi chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được cấp phép đầu tư... sắp tới sẽ được chấn chỉnh để tránh tình trạng “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường. Khi các giải pháp này đồng loạt được triển khai thì chắc chắn sẽ thanh lọc thị trường, hướng đến kiến tạo một động lực mới cho lĩnh vực bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Cơ hội cho bất động sản giá trị thật
Trước đây, khi thị trường tăng trưởng nóng, các nhà đầu tư lướt sóng hầu hết đều thắng. Nhưng từ quý 2-2022 đến nay thì không ít nhà đầu tư rất khó ra hàng vì thị trường giảm nhiệt. Đặc biệt, tình trạng thổi giá mua bán đất sào, đất rẫy tại các khu vực hoang vắng ở Bình Phước, Daklak… đang khiến nhiều nhà đầu tư lướt sóng “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo các chuyên gia, sắp tới, khi ngày càng nhiều nhà doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực lân cận TPHCM thì mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn. Khi đó, xu hướng điều chỉnh giá sẽ trở nên mạnh mẽ và giá trị thật của bất động sản có thể sẽ được xác lập. Việc đầu tư, đầu cơ sử dụng đòn bẩy tài chính cũng giảm xuống và dòng tiền chủ yếu chảy vào các dự án thực sự tiềm năng. Đây sẽ là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư có tài chính mạnh sàng lọc, lựa chọn được những sản phẩm tốt nhất.
Thực tế, gần đây khi thị trường TPHCM giá đất tăng cao thì Bình Dương là một trong những khu vực ghi nhận giao dịch bất động sản vẫn ổn định. Trong đó, tam giác công nghiệp Tân Uyên – Phú Giáo – Bến Cát là khu vực nổi bật khi Bình Dương dịch chuyển phát triển công nghiệp về phía Bắc. Mới đây, cùng lúc hai khu công nghiệp đều có quy mô 1.000 ha gồm VSIP 3 và Cây Trường đã bắt đầu khởi công xây dựng tại đây. Đặc biệt, từ nay đến 2025 Phú Giáo sẽ phát triển thêm 5 khu công nghiệp lớn để đón đầu dòng vốn FDI.
Về hạ tầng, Bình Dương đang tập trung đầu tư hệ thống giao thông quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Các dự án điển hình gồm mở rộng, nâng cấp đường ĐT 741; các tuyến đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, Phú Giáo – Đồng Phú, quốc lộ 13; quốc lộ 14; đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn; xây dựng cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4... Bên cạnh đó, hai địa phương Bến Cát, Tân Uyên dự kiến lên thành phố vào năm 2025 cũng tạo nên cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
Những yếu tố nói trên đang giúp Bình Dương tăng tốc thu hút vốn FDI và kéo theo nguồn lao động nhập cư rất lớn. Không chỉ lao động thông thường, Bình Dương đang là nơi “đất lành chim đậu” của lực lượng lao động kỹ thuật cao và chuyên gia trong cũng như ngoài nước. Hiện Bình Dương đang có khoảng 2,8 triệu dân và mỗi năm tăng thêm khoảng 5-7%. Đây là động lực lớn của thị trường bất động sản bởi nhu cầu nhà ở rất cao, nhất là các dự án ở những đô thị đang phát triển hoặc liền kề các khu công nghiệp lớn đang hoạt động.