Nhà ở xã hội từng được xem là hi vọng cho người thu nhập thấp, nay lại được rao bán trên thị trường với giá cao gấp 2-3 lần, ngang ngửa nhà thương mại.
Giá nhà ở xã hội cũ "leo thang"
Nhà ở xã hội (NOXH) vốn được xem là giải pháp hỗ trợ người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giá NOXH đã qua sử dụng trên thị trường thứ cấp đang "leo thang", thậm chí ngang ngửa với nhiều dự án nhà ở thương mại.
Ghi nhận tại các khu vực như Hà Đông, Bắc Từ Liêm (Hà Nội), Hoàng Mai,… nhiều căn hộ nhà ở xã hội được rao bán với mức giá 50-55 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá mở bán ban đầu.
Điển hình, dự án nhà ở xã hội Đồng Mô Đại Kim tại quận Hoàng Mai hiện có giá rao bán dao động từ 50-55 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với giá gốc khoảng 15 triệu đồng/m2 khi mở bán vào năm 2017.
Tương tự, các căn hộ nhà ở xã hội tại dự án Rice City Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đã được đưa vào sử dụng hơn 7 năm, giá bán lại hiện dao động 45-55 triệu đồng/m2, tăng gấp hơn 3 lần giá mua vào tại thời điểm giao nhà năm 2016. Khi mở bán, giá các căn hộ tại đây chỉ 15 triệu đồng/m2.
Hay tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) hiện có giá bán trung bình 50-55 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm mở bán là 16,5 triệu đồng (năm 2019), giá đã tăng thêm khoảng 30-35 triệu đồng/m2.
Các dự án nhà ở xã hội từng được đánh giá là chiếc “phao cứu sinh” cho người dân có thu nhập trung bình, tài chính hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều dự án mở bán trên 5 năm, giá đã tăng mạnh, lên gấp hơn 2-3 lần so với giá khởi điểm.
Điều này tạo ra một bức tranh tương phản trên thị trường, trong khi nhà đầu tư hưởng lợi lớn, người mua ở thực ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chốn an cư.
Chuyên gia đề xuất giải pháp
Những con số tăng giá kỷ lục đang khiến thị trường chung cư Hà Nội trở nên sôi động nhưng cũng đầy lo ngại. Người dân có thu nhập trung bình gần như bị đẩy ra khỏi “cuộc đua”, trong khi giới đầu cơ tiếp tục hưởng lợi từ những khoảng chênh giá cao ngất ngưởng.
Lý giải về việc tăng giá này, các chuyên gia cho rằng sự mất cân đối cung-cầu là nguyên nhân chính. Số lượng dự án NOXH mới được triển khai còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu mua nhà ở phân khúc này ngày càng tăng cao. Điều này đã đẩy giá NOXH trên thị trường thứ cấp lên mức khó tin.
Bên cạnh đó, quy định cho phép giao dịch NOXH sau 5 năm sử dụng, cùng với sự khan hiếm sản phẩm mới, đã tạo điều kiện để giá bán tăng đột biến.
Anh Nguyễn Văn Hùng - một nhà đầu tư tại Hà Nội - cho biết: "Các căn NOXH có vị trí đẹp, giao thông thuận lợi hiện rất được săn đón. Mức giá cao không chỉ đến từ nhu cầu ở thực mà còn từ nhà đầu tư mong muốn lướt sóng kiếm lời".
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo NOXH phục vụ đúng đối tượng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc giá NOXH đã qua sử dung bị đẩy lên quá cao không chỉ đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chính sách mà còn tạo áp lực lớn cho người dân thu nhập thấp. Ông đề xuất cần có cơ chế ràng buộc để các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về NOXH không chuyển nhượng trục lợi sau thời gian quy định.
Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy phát triển 1 triệu căn NOXH giai đoạn 2021-2030, câu chuyện giá nhà trên thị trường thứ cấp đặt ra bài toán cấp thiết về việc làm thế nào để kiểm soát nguồn cung và giữ vững mục tiêu hỗ trợ người thu nhập thấp. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, nhà ở xã hội sẽ khó tránh khỏi xu hướng "thương mại hóa", khiến giấc mơ an cư của nhiều người ngày càng xa vời.