Nhiều địa phương đã ban hành quyết định về việc tách thửa đất theo quy định mới trong Luật Đất đai 2024.
Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý về tách thửa đất
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đất trên địa bàn thành phố. Dự thảo nhằm cụ thể hóa các điều khoản của Luật Đất đai 2024.
Nếu tách thửa đất không hình thành lối đi mới tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4 m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4 m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu 50 m2.
Tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80 m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100 m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150 m2.
Đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5 m trở lên đối với thị trấn; 4 m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5 m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.
Tại phường, thị trấn, thửa đất mới với loại hình thương mại, dịch vụ phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10 m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400 m2. Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20 m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000 m2.
Đối các xã khác, diện tích không nhỏ hơn 800 m2 với đất thương mại, dịch vụ và đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000 m2.
Trước đây, việc tách thửa đất ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017. Lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.
Bắc Giang tách thửa đất có diện tích tối thiểu 32 m2
Theo quy định mới nhất của UBND tỉnh Bắc Giang, nếu muốn tách thửa đất ở phải có diện tích tối thiểu 32 m2, mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nếu có ít nhất là 5,5 m.
Bên cạnh đó, diện tích tối thiểu 50 m2 tại các xã thuộc địa giới hành chính huyện, thị xã chuyển thành phường, thị trấn do thành lập mới. Kích thước mặt tiền tối thiểu là 4 m, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nếu có tối thiểu 5,5 m, đối với thửa đất gốc có chiều sâu hiện hữu từ 5,5 m trở lên.
Đối với đất ở không thuộc các trường hợp trên, thì thửa đất sau khi tách thửa phải có diện tích đất ở tối thiểu 70 m2. Kích thước mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nếu có tối thiểu 8 m đối với thửa đất gốc có chiều sâu hiện hữu từ 8 m trở lên.
Trường hợp thửa đất sau khi Nhà nước thu hồi đất, thửa đất có chiều sâu hiện hữu nhỏ hơn 5,5 m, thì chiều sâu tối thiểu phải đảm bảo 5 m.
Đối với Nam Định, UBND tỉnh đã ban hành quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu việc tách thửa, hợp thửa đối với các loại đất trên địa bàn. Quy định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.
Về phân định khu vực để quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh, khu vực 1 gồm các vị trí đất thuộc các phường của TP Nam Định, các thị trấn hiện hữu.
Tại khu vực 1, với thửa đất là bộ phận cấu thành dãy phố, ngõ phố có chiều rộng mặt đường trên 2,5 m thì thửa đất ở sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 5 m.
Nếu ngõ phố có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 m thì phải có diện tích tối thiểu 45 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 7 m.
Khu vực 2 gồm các vị trí đất thuộc khu dân cư nằm ven các đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; khu dân cư nằm ven các đường trục xã. Ngoài ra, còn có các vị trí đất thuộc khu dân cư tại các khu vực đặc thù ở TP Nam Định, huyện Trực Ninh, huyện Ý Yên, huyện Xuân Trường, huyện Giao Thủy, huyện Hải Hậu.
Khu vực 3 gồm các vị trí đất thuộc các khu vực khác còn lại.
Tại khu vực 2 và 3, thửa đất ở sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu lần lượt là 50 m2 và 80 m2, đều có chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m và chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 7 m.