Không quá ồn ào, thanh khoản cũng không quá nổi trội, nhưng các sản phẩm bất động sản liền thổ như nhà phố khu vực phía Nam đang âm thầm tăng cả về giá cả lẫn giao dịch.
“Điểm nóng” nhà phố trung tâm
Sau thị trường căn hộ với nhiều dự án mới được công bố với mức giá tăng cao, thị trường nhà phố gần đây cũng bắt đầu chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ.
“Nhà phố diện tích lớn có giá trên 100 tỷ đồng được rao bán giai đoạn trước gần đây dường như đã được giao dịch hết. Phần lớn người mua phân khúc này là khách hàng phía Bắc”, ông Nguyễn Pháp - nhân viên môi giới một công ty bất động sản chuyên về thị trường nhà phố tại TP.HCM nói và cho biết, sức mua nhà phố tại các quận trung tâm tăng mạnh trong vài tháng trở lại đây, giá cũng tăng từ 10-20% so với cách đây một năm. Phần lớn khách hàng đến từ phía Bắc với nhu cầu mua tập trung ở quận 1 và quận 3 với dòng sản phẩm ưa chuộng có diện tích lớn, khả năng khai thác được dòng tiền.
“Cách đây vài tuần, một khách hàng từ phía Bắc đã vào mua một lúc 2 căn nhà phố trên đường Thủ Khoa Huân thuộc quận 1 với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Thương vụ diễn ra chỉ trong 1 tuần do bên mua không có nhiều thời gian đi lại và để làm khách sạn, chứ không có ý định mua đi, bán lại”, môi giới này chia sẻ thêm.
Ông La Cẩm Nam - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản An Phúc Lộc cho hay, thị trường nhà đất TP.HCM đang diễn ra “sóng ngầm” cả về giao dịch lẫn sự tăng giá.
“Chúng tôi đang nhận được khá nhiều đơn đặt hàng tìm kiếm dòng sản phẩm gồm nhà phố có giá trị lớn ở các quận trung tâm có thể khai thác làm khách sạn, căn hộ dịch vụ; nhà phố có giá trị dưới 7 tỷ đồng ở các quận vùng ven và các khu đất có diện tích lớn để xây dựng các khu căn hộ dịch vụ. Tuy nhiên, việc tìm mua giai đoạn này rất khó bởi bên bán có tâm lý chờ đợi giá tăng cao”, ông Nam nói và cho biết thêm, thực tế, lúc thị trường khó khăn, nhiều người miệt mài rao bán, thậm chí chấp nhận giảm giá nhưng không ai quan tâm, đến khi có dấu hiệu phục hồi thì “quay xe” không bán, còn người mua thì một mực tìm cách mua.
“Thời điểm khó khăn nhất của thị trường, nhiều người vì kẹt tiền phải rao bán nhà, đất và lúc đó cũng có nhiều người sẵn tài chính đã tranh thủ mua gom, giờ bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận với việc bán chênh khá cao. Với các trường hợp rao bán thời điểm đó nhưng chưa bán được giờ cũng đổi ý không bán nữa, nếu có cũng với mức giá cao hơn”, ông Nam chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Trần Vững - một môi giới chuyên về nhà phố tại TP.HCM cho biết, thị trường này đang giao dịch rất tốt. Thời điểm cuối năm 2023, nhiều nơi treo bảng bán nhà nhan nhản thì gần đây gần như không còn, giá cũng tăng từ 10-20% so với đầu năm.
Sự sôi động của thị trường nhà phố không chỉ đến từ giao dịch tăng lên, mà theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà phố, các đội nhóm đầu tư cũng bắt đầu đồng loạt “ra quân”.
“Mặc dù chuyên về thị trường nhà phố, nhưng giai đoạn vừa qua, do thị trường gặp khó khăn nên công ty chúng tôi phải chuyển hướng sang đầu tư mảng căn hộ dịch vụ cho thuê để duy trì hoạt động và hiện đang khởi động mạnh trở lại mảng đầu tư, kinh doanh nhà phố”, môi giới trên nói và cho biết thêm, so với giai đoạn cao điểm, mức độ giao dịch hiện chưa bằng, nhưng điều nhận thấy rõ là tâm lý phòng thủ đã không còn và thay vào đó, những người có tiền mặt sẵn sàng xuống tiền nếu tìm được sản phẩm ứng ý.
Sức nóng lan tỏa
Nếu như TP.HCM là điểm đến của các nhà đầu tư “cá mập”, thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tìm kiếm cơ hội từ các thị trường giá thấp hơn và “sức nóng” của bất động sản liền thổ khu vực trung tâm thành phố đang lan tỏa sang các khu vực lân cận. Trong đó, Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) là 2 khu vực đang được giới đầu tư chú ý nhiều vì có tốc độ đô thị hóa mạnh, đồng thời được xem là những khu đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Ông Dương Minh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time cho biết, bất động sản TP.HCM đã tăng giá quá cao, trong khi quỹ đất sạch để triển khai dự án ngày một khan hiếm, nên không còn là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp môi giới cũng như các nhà đầu tư vốn mỏng.
Gần đây, nhóm này đã chuyển sang hoạt động tại các vùng phụ cận như Đồng Nai, Long An…, nơi quỹ đất còn nhiều và giá cũng “mềm” hơn. Hiện tại, bất động sản liền thổ tại những khu vực này được quan tâm khá nhiều nên hoạt động giao dịch và giá cả đều tăng lên đáng kể.
Tương tự, tại một số thị trường trước đây từng là “điểm nóng” như Bình Thuận, khu vực Cam Ranh, Cam Lâm thuộc tỉnh Khánh Hòa…, việc giới đầu tư tìm kiếm dòng sản phẩm an toàn về pháp lý cũng có chiều hướng tăng trở lại.
Một trong những đại dự án nhà phố biển đang nhận được sự quan tâm từ thị trường là dự án Caraworld Cam Ranh với mức giá công bố 75 triệu đồng/m2. Được biết, trước đây dự án có tên là KN Paradise do Công ty TNHH KN Cam Ranh (thuộc Công ty Golf Long Thành) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 800 ha, là dự án khu đô thị biển sở hữu lâu dài hiếm hoi hiện nay.
Theo phân tích của giới chuyên môn, sau thời gian dài gặp khó, thị trường địa ốc có sự phân hóa rõ nét, những sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý chuẩn chỉnh luôn có sức cầu rất lớn, giá không những không giảm mà còn tăng lên.
Trong đó, phân khúc nhà đất liền thổ có sự biến chuyển rõ nhất cả về giao dịch lẫn giá cả, đặc biệt từ khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực và các địa phương công bố dự thảo bảng giá đất lần đầu, sau đó là bảng giá đất mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Sang - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings, về cơ bản, sau những năm dịch bệnh và suy thoái kinh tế, tình hình chung đối với các nhà đầu tư bất động sản là khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, am hiểu thị trường… “đánh hơi” được cơ hội nên đã mạnh dạn xuống tiền trong giai đoạn này bởi cho rằng, dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có vị trí và pháp lý tốt sẽ tăng giá mạnh từ sau năm 2025.