Theo các chuyên gia, dù chưa thể giải quyết một cách triệt để về nhu cầu vốn nhưng việc nới room tín dụng là tín hiệu tích cực đối với thị trường BĐS, ít nhất là từ cuối năm nay.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam đã chỉ ra các tác động của việc nới room tín dụng đến thị trường BĐS.
Cụ thể, từ này đến cuối năm, nguồn cung – cầu trên thị trường BĐS sẽ được cải thiện so với "vùng đáy" ở những tháng vừa qua. Tuy nhiên, thị trường khó có bứt phá trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, giá BĐS từ này đến cuối năm vẫn đà tăng, nhất là trên thị trường sơ cấp. Theo ông Thắng, về mặt bằng giá bán có sự "trái chiều" ở 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đối với thị trường sơ cấp giá bán khó có thể giảm, lý do các chi phí đầu vào tiếp tục tăng. Riêng thị trường thứ cấp sẽ phân hóa cục bộ, có sự giảm giá ở một số dự án, nhóm khách hàng có sử dụng đòn bẩy tài chính, bị áp lực lãi vay…
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm và các năm sau, thị trường BĐS tiếp tục thanh lọc mạnh mẽ các dự án đáp ứng tốt nhu cầu ở thực có mức giá hợp lý, pháp lý hoàn thiện, được phát triển bài bản, có hỗ trợ từ ngân hàng.
Ngoài ra, các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính cho khách hàng như áp dụng lịch thanh toán giãn, hỗ trợ lãi suất và ân hạn nợ gốc. Tuy nhiên, việc sắp xếp room tín dụng cho dự án có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định đưa sản phẩm ra thị trường của CĐT.
Theo ông Võ Hồng Thắng, do vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 14% được phê duyệt cả năm 2022 nên quyết định nới room vừa qua vẫn chưa thể giải quyết một cách triệt để hay có thể nói mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu vốn trên thị trường hiện nay. Tuy vậy, đây là một tín hiệu vui cho thị trường BĐS từ nay đến cuối năm.
Dự báo về BĐS những tháng cuối năm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, nguồn cung sẽ có sự cải thiện hơn giai đoạn đầu năm 2022, tuy nhiên không đáng kể. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đối với ngành bất động sản, theo TS Khương, việc này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường này phục hồi và tái phát triển từ giai đoạn cuối năm trở đi.
"Tuy vậy, ngoài nguồn lực và tài chính thì các thủ tục cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường", TS Khương nhấn mạnh.
Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần phải có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, ngoài vấn đề vốn, hiện nay thị trường BĐS đang tồn tại 5 vấn đề. Thứ nhất, tình trạng "lệch pha cung-cầu" dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Thứ hai, tình trạng "lệch pha phân khúc thị trường" về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.
Thứ ba, tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân.
Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, thông thoáng, công bằng, lành mạnh.
Thứ năm, có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp đi đôi với tình trạng "đầu nậu", "cò đất" hoạt động trái pháp luật, "phân lô bán nền" tràn lan gây "sốt ảo" giá đất tại nhiều địa phương gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.