Nếu nguồn cung nhà ở không được cải thiện, các biện pháp ngăn chặn hoạt động đầu cơ bất động sản có thể lại càng khiến giá nhà tiếp tục tăng cao.
Một thị trường bất động sản phát triển bền vững thường có sự đa dạng về phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, tại cả Hà Nội và TPHCM, nguồn cung các loại hình nhà ở này lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nhu cầu khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, chủ yếu đến từ người dân có thu nhập trung bình và các hộ gia đình trẻ, vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Theo bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills, cả TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Trong tương lai gần, TPHCM sẽ chứng kiến sự gia tăng của các dự án cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ lại hạn chế. Sự mất cân đối này là do nhiều yếu tố, bao gồm tăng trưởng thu nhập, quỹ đất hạn hẹp và chi phí đất đai tăng cao, cùng với các thủ tục hành chính phức tạp trong việc cấp phép cho các dự án phát triển mới.
Nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm đẩy giá nhà ở “lên trời”. Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong giai đoạn 2019-2023, giá bất động sản tại Hà Nội tăng trung bình 6%/năm và tại TPHCM là 3%/năm, trong khi thu nhập cá nhân chỉ tăng lần lượt 4% và 3%. Khoảng cách ngày càng lớn này khiến việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với nhiều người dân.
Hiện chưa có chính sách hữu hiệu nào mang tới hy vọng hạ nhiệt giá nhà. Một khi chưa có nguồn cung nhà giá rẻ, vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể được giải quyết. Bên cạnh đó, các rào cản pháp lý, vấn đề của các nhà phát triển và sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ nhà ở đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Mới đây, đã có một số quan điểm cho rằng, cần kiến nghị thắt chặt chính sách tín dụng với người đầu cơ để chặn bong bóng giá bất động sản. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm như hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị cần cẩn trọng áp dụng biện pháp tăng thuế, tăng lãi suất hay siết tín dụng với bất động sản.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital - cho rằng, hiện nay, phân khúc nhà ở phù hợp túi tiền gần như “bốc hơi” khỏi thị trường. Các dự án đang triển khai trên thị trường đa phần là trung và cao cấp. Mức giá bán được đẩy lên cao hơn giá trị thật là chuyện không hề hiếm vì phải bù lãi cho các loại chi phí “vô hình” đắt đỏ do nhiều nguyên nhân. Một khi nguồn cung nhà ở khan hiếm, người mua sẵn sàng chấp nhận thuế, lãi suất cao, vì cứ mua là có lãi. Một khi cầu cao hơn cung, thì bất động sản càng tăng giá.
Giải pháp căn cơ nhất lúc này là phải tăng cung cho thị trường bất động sản. Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills - cho biết, để giải quyết bài toán nhà ở vừa đủ và khả năng chi trả của người dân, cần một giải pháp tổng thể, kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư. Không một bên nào đơn lẻ có thể giải quyết vấn đề nan giải này. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có giới hạn và lãi suất tăng cao, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng đối mặt với áp lực lạm phát về chi phí đầu vào. Chính vì vậy, sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên là điều cấp thiết.
“Ngoài ra, các nhà cung cấp nhà ở giá rẻ có thể giúp đạt được những mục tiêu này bằng cách cải tạo các tài sản hiện có hoặc chuyển đổi các tài sản không còn phù hợp, như văn phòng bỏ trống hoặc trung tâm thương mại, với sự hỗ trợ của các quy định và quy hoạch thuận lợi”, bà Giang Huỳnh nêu quan điểm.