Xây nhà sai quy hoạch sẽ được “hợp thức hóa” hay phá dỡ?

Xây nhà vi phạm quy hoạch là hành vi vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tương đối phổ biến.

Xây nhà vi phạm quy hoạch là hành vi vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tương đối phổ biến. Ảnh: Thông Chí
Xây nhà vi phạm quy hoạch là hành vi vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tương đối phổ biến. Ảnh: Thông Chí

Chủ đầu tư (bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân) khi xây dựng mà vi phạm trật tự xây dựng, trong nhiều trường hợp được “hợp thức hóa” công trình xây dựng vi phạm như được điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với hành vi xây dựng không đúng nội dung giấy phép (sai phép, trái phép), xin giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây dựng không có giấy phép (xây dựng không phép).

Tuy nhiên, riêng đối với hành vi xây dựng vi phạm quy hoạch sẽ không được “hợp thức hóa” để công trình xây dựng nói chung, nhà ở riêng lẻ nói riêng được phép tồn tại. Thay vào đó, tổ chức, cá nhân vi phạm phải phá dỡ nhà ở, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.

Nội dung này được quy định rõ tại điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau: Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.

Việc buộc phải phá dỡ nhà ở nếu xây dựng vi phạm quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là quy định hợp lý và dễ hiểu.

Bởi lẽ quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua, nếu cho “hợp thức hóa” thì sẽ phải điều chỉnh quy hoạch (không thể vì một công trình của người dân mà điều chỉnh quy hoạch của địa phương), đồng thời nếu cho hợp thức hóa sẽ rất nhiều trường hợp vi phạm dẫn tới phá vỡ quy hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được “hợp thức hóa” để nhà ở được phép tồn tại như xây dựng không phép, trái phép thì bản chất là chỉ cần xin giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho phù hợp và bảo đảm phù hợp với quy hoạch sẽ được tồn tại và không ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác.